Ứng dụng công nghệ mới vào thiết bị đào tạo nghề

11/07/2022 16:01:55

Chiều 1-7, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức lễ bế mạc và trao giải hội thi thiết bị đào tạo tự làm TP năm 2022.

Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP (bìa trái) và Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải cao

Báo cáo tại lễ bế mạc, ông Đặng Minh Sự - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Sở LĐ-TB&XH TP cho biết, hội thi thiết bị đào tạo tự làm năm nay có 42 thiết bị của 139 tác giả, nhóm tác giả đến từ 17 cơ sở GDNN tham gia.

Các thiết bị được chia thành 3 tiểu ban, gồm: Tiểu ban cơ khí - công nghệ ô tô: 16 thiết bị; tiểu ban điện - điện tử - điện lạnh - cơ điện tử: 16 thiết bị và tiểu ban tổng hợp: 10 thiết bị. Hội đồng giám khảo của hội thi là những nhà giáo, chuyên gia đến từ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và các doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.

“Chất lượng thiết bị tham gia dự thi năm nay tương đối đồng đều và có sự tiến bộ rõ so với trước đây. Các tác giả và nhóm tác giả đã định hướng thiết kế sản phẩm bám sát mục tiêu và chương trình đào tạo. Các thiết bị đào tạo có ứng dụng đa chức năng, phục vụ hiệu quả cho nhiều mô-đun trong giảng dạy, học tập của giảng viên và học sinh, sinh viên. Đặc biệt là các thiết bị ứng dụng công nghệ mới nhất vào trong thiết kế sản phẩm”, ông Sự nhấn mạnh.

Kết quả hội thi

Giải tập thể

- Trường CĐ Lý Tự Trọng: giải I

- Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng: giải II

- Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức: giải III.

Giải cá nhân (tác giả và nhóm tác giả)

- Tiểu ban cơ khí ô tô: “Thiết bị nghiên cứu và chế tạo hệ thống mạng truyền thông trên ô tô” - Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM đoạt giải I; 2 giải II thuộc về thiết bị “Mô hình máy bào ngang” - Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và “Máy ép khuôn nhựa” - Trường CĐ Nghề TP; “Mô hình máy phay mini” - Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và “Mô hình máy tiện CNC mini” - Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP đoạt giải III.

- Tiểu ban điện - điện tử - điện lạnh - cơ điện tử: “Mô hình sửa chữa và vận hành cánh tay robot - Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM: giải I; 2 giải II được trao cho Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức với “Mô hình thực hành robot” và Trường CĐ Công thương TP.HCM với “Mô hình lắp ráp điều khiển hệ thống lạnh công nghiệp”; 2 giải III được trao cho Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM với hai “Mô hình quầy lạnh thương nghiệp” và “Mô hình thực hành công nghiệp 4.0”.

- Tiểu ban tổng hợp: “Mô hình phân loại sản phẩm được giám sát và điều khiển qua internet” -Trường CĐ Bách nghệ TP.HCM: giải I; giải II thuộc về “Thiết bị lắp đặt, cấu hình camera quan sát” - Trường TC Nhân Đạo và 2 giải III được trao cho “Mô hình dạy học thực tập hệ thống truyền dẫn thông tin” - Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP và “Mô hình hệ thống phân loại sản phẩm theo màu sắc” - Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức.

Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 13 giải KK và 18 giấy chứng nhận tham gia hội thi.

Thiết bị đào tạo tự làm trưng bày tại hội thi

Đến tham dự và phát biểu tại lễ trao giải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Nguyễn Văn Lâm đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào thiết bị đào tạo tự làm. Đây là bước tiến mới, là nền tảng vững chắc để phát triển GDNN cũng như nghiên cứu khoa học.

“Các cơ sở GDNN bố trí thời gian, tài chính, khuyến khích giáo viên sáng tạo hơn nữa trong nghiên cứu chế tạo thiết bị đào tạo”, ông Lâm đề nghị. 

Từ kết quả hội thi, Sở LĐ-TB&XH chọn 14 thiết bị đoạt giải cao tham gia Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc bằng ngân sách nhà nước. Các thiết bị đạt giải KK có nhu cầu sẽ dự thi bằng nguồn kinh phí của đơn vị.

Dự kiến, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc diễn ra từ ngày 10 đến 14-10 tới tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

T.Anh

Nguồn: https://www.giaoduc.edu.vn/

Chuyển đổi số nâng cao chất lượng GDNN

01/02/2024 09:30:19
Tháng 6-2023 UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là giải pháp để nâng cao chất lượng GDNN, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động.