Hệ thống Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
Đào tạo nghề (giáo dục nghề nghiệp – GDNN) Việt Nam có lịch sử phát triển khá lâu đời, gắn liền với sự phát triển của các làng nghề truyền thống, của sản xuất nông nghiệp. Hầu như ở bất cứ làng quê nào của đất nước cũng có những dấu ấn của sự học nghề và dạy nghề. Trải qua nhiều sự thay đổi, nhưng GDNN đã khẳng định được vai trò của mình trong việc đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật trực tiếp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hệ thống GDNN chính thức được luật hóa từ Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Dạy nghề năm 2006, tuy nhiên, hệ thống lúc đó còn chưa thống nhất, phân mảnh ở cả các trình độ đào tạo và phạm vi quản lý nhà nước.
Ngày 27 tháng 11 năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2015. Có thể nói, đây là một đạo luật đã thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, GDNN nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống GDNN ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.
Luật Dạy nghề trước đây và Luật Giáo dục nghề nghiệp sau khi có hiệu lực thi hành, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực dạy nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác dạy nghề Thành phố phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu sắc, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh và sự thành công của mỗi quốc gia. Việc mở cửa thị trường lao động đòi hỏi Thành phố phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó làm đòn bẩy để hội nhập, nâng cao năng suất lao động, tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo đội ngũ nhân lực đủ sức cạnh tranh để tham gia vào thị trường lao động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X đã xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong bảy chương trình đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có 85% lao động qua đào tạo nghề nghiệp trong tổng lao động đang làm việc.
Thực hiện mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố (trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho những ngành, lĩnh vực có vai trò quyết định, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố; đặc biệt tập trung nguồn nhân lực cho ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, bảo đảm nhu cầu chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động). Ngày 31/10/2016, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTrHĐ/TU về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X và ngày 30/11/2016, Ủy ban nhân dân Thành phố Thành phố đã ban hành Quyết định số 6252/QĐ-UB phê duyệt Kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020.
Song song đó, nhận thức của xã hội về công tác đào tạo nghề từng bước có những chuyển biến rõ rệt, tạo sự đồng thuận trong các ngành, các cấp của Thành phố, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề được cải thiện, mạng lưới cơ sở dạy nghề và ngành nghề đào tạo phát triển đa dạng, phong phú, quy mô đào tạo nghề tăng từng năm, góp phần đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 393 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 57 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 248 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khác.