Nâng cao hiệu lực thực thi các chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp

18/07/2022 10:21:57

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 14/7, Sở LĐ-TB&XH tổ chức sơ kết chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2015 - 2022 trên địa bàn TPHCM.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nguyễn Văn Lâm cho biết, Luật GDNN được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để lĩnh vực GDNN phát triển; đồng thời, thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, GDNN nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống GDNN ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo nhân lực nhất là nhân lực có kỹ thuật, trình độ tay nghề cao góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo phục hồi kinh tế, an sinh xã hội và việc làm bền vững.

Sau 7 năm thực hiện, một số quy định, chính sách tại 117 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật GDNN đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021; Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 và phát triển GDNN thích ứng, an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Lâm phát biểu khai mạc hội nghị.

Qua hội nghị, các đại biểu đã có tham luận, nghiên cứu, rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những kết quả đạt được cũng như vướng mắc, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện. Đồng thời thảo luận góp ý, tìm ra các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu lực thực thi các chính sách, pháp luật về GDNN, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN nhằm đổi mới và phát triển GDNN tiếp cận với GDNN của các nước phát triển trong khu vực, thế giới và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nói chung và của TPHCM nói riêng; đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá mối quan hệ giữa những chính sách, pháp luật về GDNN với những chủ trương, chính sách nghị quyết của Đảng. Các luật hiện hành và các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, những vấn đề mới phát sinh cần được điều chỉnh. Các đại biểu đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN, để hoạt động GDNN ngày càng phát triển và tiệm cận với công tác đào tạo nghề của khu vực và thế giới.

Tính đến cuối năm 2021, TPHCM có 370 cơ sở GDNN, Đến năm 2025, TP còn 9 trường cao đẳng công lập, 8 trường trung cấp trực thuộc TP. Đến năm 2030, TP còn 6 trường cao đẳng công lập và 3 trường trung cấp thuộc TP. Đến năm 2030, đảm bảo 100% cơ sở GDNN công lập do TP quản lý đạt chuẩn về quy mô diện tích, tuyển sinh.

Một số kiến nghị được nêu tại hội nghị về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về GDNN để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện như: xây dựng tiêu chí công nhận nghệ nhân ở một số ngành nghề khó đào tạo, hoặc xác nhận kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đó nhiều năm liền để đảm bảo tiêu chuẩn giảng dạy theo quy định. Việc liên kết với doanh nghiệp để đào tạo song hành (đào tạo kép), đề nghị xây dựng quy định về mức chi hỗ trợ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia vào việc nâng cao chất lượng GDNN. Để công tác đi vào chuyên sâu và lan tỏa, cơ quan nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác kiểm định đối với trường công lập hoặc chính sách ưu đãi cho các cơ sở GDNN tư thục khi họ đạt được kiểm định chất lượng…

Minh Hiệp

Nguồn: https://thanhuytphcm.vn/