TTO - Đây là lần thứ 3 cuộc thi Startup Kite được tổ chức, trở thành nơi học sinh, sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp trên cả nước mang tới những ý tưởng, sản phẩm, dự án kinh doanh tiềm năng.
Sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM xếp chữ tên cuộc thi Startup Kite tại buổi phát động - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Sáng 24-6, tại TP.HCM, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) tổ chức lễ phát động cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Startup Kite 2022.
Startup Kite 2022 sẽ diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11-2022. Giám khảo gồm các chuyên gia giáo dục và những doanh nhân giàu kinh nghiệm sẽ đánh giá những sản phẩm, dự án của sinh viên trên các tiêu chí như tính mới, tính khả thi, tính chuyên môn, tính hiệu quả kinh tế,…
Cuộc thi năm nay được Bộ Lao động - thương binh và xã hội tổ chức thành 3 vòng, gồm vòng sơ tuyển, bán kết và chung kết. Dự kiến lễ trao giải Startup Kite 2022 sẽ được tổ chức vào tháng 11-2022 tại TP.HCM.
Ông Đỗ Năng Khánh phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tại buổi lễ phát động, ông Đỗ Năng Khánh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho biết qua 2 năm tổ chức, cuộc thi Startup Kite đã thu hút được 2.818 ý tưởng, dự án, trong đó 105 dự án vào vòng chung kết, 73 dự án đoạt giải.
Bước ra từ cuộc thi, nhiều mô hình đang trong những giai đoạn hiện thực hóa và đi vào thị trường như sản phẩm "Máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn tự động" của Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM được xuất sang Mỹ, hay dự án "Thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình" hút du khách của Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật - công nghệ Tuyên Quang,…
"Đó cũng là động lực cho các trường nâng cao chất lượng, gắn kết hơn với các doanh nghiệp để mở ra thêm nhiều cơ hội cho sinh viên", ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, các trường cao đẳng, trung cấp thuộc khối giáo dục nghề nghiệp nên xem công tác hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng, từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường.
Đây là những bước đi cần thiết nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, giúp Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về đào tạo nghề trên thế giới.
TRỌNG NHÂN
Nguồn: https://tuoitre.vn/