Chất lượng đào tạo các cơ sở GDND tại TP.HCM đã được các doanh nghiệp chấp nhận

07/01/2022 08:18:34

(LĐXH) - Chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của TP.HCM đã được các doanh nghiệp chấp nhận; các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 03 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường sức lao động của Thành phố, thông tin trên được đại diện Sở Lao động – Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác GDNN trên địa bàn TP.HCM năm 2021 và triển khai phương hướng - nhiệm vụ năm 2022, tổ chức ngày 5/01/2021. Dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH và ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phát biểu chỉ đạo  hội nghị

Hiện toàn TP.HCM có 370 cơ sở GDNN. Trong đó, có 60 trường cao đẳng; 61 trường trung cấp; 22 trung tâm GDNN- GDTX; 55 trung tâm GDNN và trung tâm dạy nghề và 152 doanh nghiệp đăng ký hoạt động GDNN. Tổng số cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên của các cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố có 13.988 người. Trong đó, hơn 32% có trình độ trên đại học; 36,33% có trình độ đại học. Năm 2021, có 10.921 nhà giáo được đánh giá, xếp hạng theo quy định của Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ LĐ–TB&XH quy định về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN. Tính đến 31/12/2021, có 81/161 trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm GDNN thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN theo quy định. Công tác kiểm định chất lượng cơ sở GDNN, tính đến ngày 31/12/2021, có 18/106 trường cao đẳng, trường trung cấp đã được kiểm định chất lượng GDNN.

Phát biểu báo cáo tại hội nghị, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phóng GDNN Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã tác động rất lớn đến hoạt động, đặc biệt là công tác tuyển sinh đối của các cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố. Nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH trong công tác tuyên truyền về GDNN đến học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh được duy trì thường xuyên báo, đài truyền hình… về định hướng nghề nghiệp, giới thiệu ngành nghề, công tác tổ chức đào tạo của cơ sở GDNN. Cùng với đó, các cơ sở GDNN sử dụng các ứng dụng trên hạ tầng CNTT: tổ chức các diễn đàn trực tuyến (live stream) trên mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo,...) để tăng cường đưa thông tin đến gần với người học hơn….

Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ - TB- XH TPHCM báo cáo tổng kết tại Hội nghị

Kết quả, công tác tuyển sinh các hệ đào tạo của các cơ sở GDNN trong năm 2021 trên địa bàn đạt 60,28% so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tuyển mới 223.643 người học các trình độ, gồm: trình độ cao đẳng là 35.063 người; trình độ trung cấp là 20.369 người; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 168.211 người). Các nhóm ngành dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng số người học tuyển mới (chiếm 50,67%), còn lại lần lượt là nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 41,25%, các nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN là 4,61% và 3,46% là các nghề khác chiếm.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, các cơ sở GDNN trên địa bàn Thành phố đã đào tạo và cung cấp cho thị trường sức lao động 122.783 người học sau tốt nghiệp với các trình độ. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn được duy trì ổn định, tính đến ngày 31/12/2021 toàn Thành phố đã đào tạo được 3.023 lao (đạt 52,12% chỉ tiêu đề ra). Trong đó, có 521 người học nghề nông nghiệp, 2.502 người học nghề phi nông nghiệp. Đặc biệt, triển khai Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến ngày 31/12/2021, Thành phố đã giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động với số tiền là 112.500.000 đồng.

“Chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của Thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 03 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường sức lao động của Thành phố. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp của người học trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở GDNN: Khối trường cao đẳng, bình quân có khoảng 88,6% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo; Khối trường trung cấp, bình quân có khoảng 82,56% học sinh sau tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo”: ông Đặng Minh Sự chia sẻ.

TS. Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TPHCM phát biểu tại Hội nghị

Tham gia ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo một số cơ sở GDNN đều cho rằng, do dịch bệnh kéo dài đã gây khó khăn cho công tác hướng nghiệp, tuyển sinh ở các tỉnh, thành khác; những học sinh muốn học nghề ở các tỉnh thành khác sẽ học ngay địa phương để giảm chi phí, hạn chế lên thành phố lớn; Dạy thực hành trực tuyến gặp khóa khăn,... Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến như giáo viên phải ở nhà dạy trực tuyến làm cho thu nhập tăng thêm bị cắt giảm, từ đó khó tạo động lực cho thầy cô đầu tư bài giảng,… Tiếp đó, các trường mong muốn Thành phố sớm cho các cơ sở GDNN được dạy và  học tập trung, đặc biệt là dạy, học thực hành khi dịch bệnh đã ổn định. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM đã đánh giá cao những cố gắng đạt được của toàn hệ thống GDNN trên địa bàn Thành phố trong năm 2021. Ông Lâm cho rằng, năm 2021, ngành GDNN Thành phố tuyển sinh chỉ đạt trên 60% chỉ tiêu, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Nhưng khi Thành phố từng bước trở lại bình thường mới, nguồn nhân lực được các cơ sở GDNN đào tạo kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp gần 123.000 người học sau tốt nghiệp các trình độ. Năm 2022 các cơ sở GDNN phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp.

Theo Phó giám đốc Sở LĐTB-XH Thành phố, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên năm 2022 các cơ sở GDNN cần phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp. Vừa phải nâng cao chất lượng đào tạo tự thân cơ sở GDNN đó, vừa phải đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh. Thực hiện biện pháp tuyển sinh đa dạng, đồng bộ từ việc tuyển sinh trực tiếp gắn với tuyển sinh trực tuyến thông qua các mạng xã hội. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng đào tạo với phương châm lấy người học làm trung tâm, lấy tỷ lệ có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp làm tiêu chí đánh giá cần được các trường nghề hướng đến để tăng hấp dẫn và thu hút nhiều người học.

Được biết, năm 2021 Thành phố đã tham gia thành công Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 18 nhà giáo từ 13 cơ sở GDNN. Kết thúc Hội giảng, có 03 nhà giáo đạt giải Nhì, 03 nhà giáo đạt giải Ba và 12 nhà giáo đạt giải Khuyến khích. Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2021, Ban Tổ chức đã tổ chức cuộc thi “Thiết kế dạy học trực tuyến trong GDNN”, Thành phố có 22 nhà giáo tham gia dự thi. Kết quả, có 01 nhà giáo đạt Giải Nhất và 01 nhà giáo đạt giải Nhì. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 chỉ có thể tổ chức thi trực tuyến ở 11 nghề (22 nghề thi trực tiếp sẽ được tổ chức vào năm 2022). Đoàn Thành phố tham gia dự thi ở 03/11 nghề và đạt 01 Huy chương Vàng.

Đăng Hải

Nguồn: http://laodongxahoi.net

Chuyển đổi số nâng cao chất lượng GDNN

01/02/2024 09:30:19
Tháng 6-2023 UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là giải pháp để nâng cao chất lượng GDNN, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động.