Thị trường lao động quý I năm 2021 – Dự báo nhu cầu nhân lực
quý II năm 2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh
I. THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ I NĂM 2021
Qua khảo sát[1] của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực của quý I năm 2021 cần 44.027 chỗ làm việc và 19.482 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Kết quả đã phản ánh thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
1. Nhu cầu nhân lực
Thị trường lao động quý I năm 2021 sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành tăng 13,14% so với quý I năm 2020. Cụ thể:
1.1. Nhu cầu nhân lực theo ngành kinh tế
Nhu cầu nhân lực tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ chiếm 70,38%, khu vực công nghiệp chiếm 29,51%, khu vực nông nghiệp chiếm 0,11%. Một số ngành, lĩnh vực có nhu cầu nhân lực cao trong quý I năm 2021, gồm:
- Công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 25,61% tổng nhu cầu nhân lực, (tăng 2,17% so với cùng kỳ năm 2020), tuyển dụng nhiều ở các ngành: Sản xuất giày, dép; sản xuất thiết bị điện khác; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú); sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đâu; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất khác chưa được phân vào đâu;…
- Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 25,35% tổng nhu cầu nhân lực, (tăng 4,64% so với cùng kỳ năm 2020), tập trung ở các ngành: Bán buôn đồ dùng khác cho gia đình; bán buôn vải, hàng may mặc, giày dép; bán buôn tổng hợp; bán buôn thực phẩm; bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; bán buôn chuyên doanh khác chưa được phân vào đâu; bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng;…
- Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 7,21% tổng nhu cầu nhân lực, (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020), tuyển dụng nhiều ở các ngành: Quảng cáo; hoạt động tư vấn quản lý; nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận; hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan; hoạt động thiết kế chuyên dụng; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu;…
- Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ chiếm 6,92% tổng nhu cầu nhân lực, (tăng 0,01% so với cùng kỳ năm 2020), tuyển dụng tập trung ở các ngành: Cung ứng lao động tạm thời; cung ứng và quản lý nguồn lao động; hoạt động bảo vệ tư nhân; hoạt động dịch vụ liên quan đến các cuộc gọi; hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác còn lại chưa được phân vào đâu; tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại;…
- Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 5,84% tổng nhu cầu nhân lực, (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020), chủ yếu tuyển dụng ở các ngành: Hoạt động trung gian tiền tệ khác; bảo hiểm nhân thọ; hoạt động của đại lý và môi giới bảo hiểm; hoạt động cấp tín dụng khác; hoạt động dịch vụ tài chính khác chưa được phân vào đâu (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội); hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu; môi giới hợp đồng hàng hóa và chứng khoán;…
- Thông tin truyền thông chiếm 5,62% tổng nhu cầu nhân lực, (tăng 2,35% so với cùng kỳ năm 2020) tập trung tuyển dụng ở các ngành: Lập trình máy vi tính; xuất bản phần mềm; hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính; xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; cổng thông tin; hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình;…
- Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 5,07% tổng nhu cầu nhân lực, (tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020), tuyển dụng nhiều ở ngành: Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
- Dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,47% tổng nhu cầu nhân lực, (tăng 0,51% so với cùng kỳ năm 2020) tập trung ở các ngành: Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; dịch vụ lưu trú ngắn ngày; dịch vụ phục vụ đồ uống; dịch vụ ăn uống khác;…
- Xây dựng chiếm 3,84% tổng nhu cầu nhân lực (tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020), tập trung ở các ngành: Xây dựng nhà để ở; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác; xây dựng nhà các loại; lắp đặt hệ thống điện; lắp đặt hệ thống xây dựng khác;…
- Giáo dục và đào tạo chiếm 3,59% tổng nhu cầu nhân lực, (tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020) tuyển dụng nhiều ở các ngành: Giáo dục phổ thông; giáo dục khác chưa được phân vào đâu; đào tạo trung cấp; dịch vụ hỗ trợ giáo dục; giáo dục đại học; đào tạo sơ cấp; giáo dục mẫu giáo;…
- Các nhóm ngành khác chiếm 6,48% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các ngành: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải; vận tải hàng hóa bằng đường bộ; vận tải hành khách đường bộ khác; hoạt động dịch vụ phục vụ hôn lễ; cắt tóc, làm đầu, gội đầu; dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự (trừ hoạt động thể thao); hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; hoạt động của các bệnh viện, trạm y tế;…
Biểu 01: Các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao trong quý I năm 2021(%)
1.2. Nhu cầu nhân lực của 04 ngành công nghiệp trọng yếu và 09 ngành kinh tế - dịch vụ
Nhu cầu nhân lực của 04 ngành công nghiệp trọng yếu và 09 ngành kinh tế dịch vụ chiếm 80,34% tổng nhu cầu nhân lực, tăng 5,59% so với quý I năm 2020. Trong đó:
1.2.1. Nhu cầu nhân lực 04 ngành công nghiệp trọng yếu
Nhu cầu nhân lực của 04 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 18,92% tổng nhu cầu, tuyển dụng chủ yếu ở lao động đã qua đào tạo chiếm 85,55%, trong đó, đại học trở lên chiếm 18,66%, cao đẳng chiếm 21,91%, trung cấp chiếm 21,09%, sơ cấp chiếm 23,89%.
- Ngành cơ khí chiếm 5,89% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: kỹ sư cơ khí, công nhân hàn, kỹ sư vận hành máy tiện, thợ phụ inox, kỹ sư tự động hóa, nhân viên gia công cơ khí, thiết kế cơ khí,…
- Ngành điện tử - công nghệ thông tin chiếm 4,95% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: kỹ sư điện tử, kỹ sư phát triển phần cứng, kỹ thuật viên bảo trì điện tử, kỹ sư kiểm tra sản phẩm điện tử, lập trình máy vi tính, kỹ sư lập trình ứng dụng, công nhân lắp ráp thiết bị điện tử, chuyên viên quản trị hệ thống,…
- Ngành chế biến lương thực - thực phẩm chiếm 4,52% tổng nhu cầu nhân lực, tuyển dụng ở lao động đã qua đào tạo chiếm 63,21%, tập trung ở các vị trí việc làm như: công nghệ thực phẩm, nhân viên KCS, thợ chế biến thực phẩm, kỹ sư dinh dưỡng, công nhân sản xuất đồ uống,…
- Ngành hóa chất - nhựa cao su chiếm 3,56% tổng nhu cầu nhân lực, tuyển dụng tập trung ở các vị trí việc làm như: nhân viên đứng máy khuôn nhựa, kỹ sư hóa dược, công nhân sản xuất nhựa bao bì, nhân viên sản xuất khuôn ép nhựa,…
Biểu 02: Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu của quý I/2021 (%)
1.2.2. Nhu cầu nhân lực 09 ngành kinh tế - dịch vụ
Nhu cầu nhân lực 09 ngành kinh tế - dịch vụ chiếm 61,42% tổng nhu cầu nhân lực, tuyển dụng chủ yếu ở lao động đã qua đào tạo chiếm 84,27%, trong đó, đại học trở lên chiếm 12,67%, cao đẳng chiếm 28,43%, trung cấp chiếm 31,04%, sơ cấp chiếm 12,13%.
- Ngành thương mại chiếm 25,35% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: nhân viên bán hàng, chuyên viên kinh doanh, giám sát cửa hàng, trưởng nhóm kinh doanh, nhân viên hỗ trợ kinh doanh,…
- Ngành vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng chiếm 3,37% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: tài xế, nhân viên kho, điều phối vận tải, nhân viên chứng từ xuất nhập khẩu,…
- Ngành du lịch chiếm 4,47% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: nhân viên hướng dẫn viên du lịch, nhân viên buồng phòng, nhân viên điều hành tour, phục vụ nhà hàng, bếp trưởng,…
- Ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 5,62% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: nhân viên bưu chính, nhân viên dịch vụ sửa chữa máy tính, kỹ sư viễn thông,…
- Ngành tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm chiếm 5,84% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: chuyên viên tư vấn tín dụng, giao dịch viên, chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, nhân viên tư vấn bảo hiểm, nhân viên thu hồi nợ, chuyên viên thẩm định tín dụng,…
- Ngành kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 5,07% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: chuyên viên kinh doanh dự án đầu tư, nhân viên kinh doanh bất động sản, quản lý dự án bất động sản,…
- Ngành dịch vụ tư vấn, khoa học - công nghệ, nghiên cứu và triển khai chiếm 7,21% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: nhân viên chăm sóc khách hàng, tổng đài viên, tư vấn khách hàng, cộng tác viên thông tin – dịch vụ khách hàng,…
- Ngành giáo dục và đào tạo chiếm 3,59% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: giảng viên tiếng anh, giáo viên mầm non, tư vấn tuyển sinh, trợ giảng, chuyên viên phòng đào tạo, giảng viên kiến trúc,…
- Ngành y tế chiếm 0,9% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở các vị trí việc làm như: bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế, kỹ thuật viên xét nghiệm,…
Biểu 03: Nhu cầu nhân lực của 9 ngành kinh tế - dịch vụ của quý I/2021 (%)
1.3. Nhu cầu nhân lực theo nhóm nghề
Nhu cầu nhân lực quý I năm 2021 tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề:
- Kinh doanh - thương mại chiếm 20,29% tổng nhu cầu, tập trung ở các vị trí việc làm như: chuyên viên kinh doanh, cộng tác viên bán hàng, nhân viên hỗ trợ kinh doanh, quản lý bán hàng, giám sát cửa hàng, nhân viên bán hàng, trưởng nhóm kinh doanh, nhân viên quầy hàng siêu thị,…
- Dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển chiếm 8,36% tổng nhu cầu, tập trung ở các vị trí việc làm như: chuyên viên tư vấn khách hàng, tổng đài viên, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên đặt lịch hẹn khách hàng, nhân viên dịch vụ khách hàng,…
- Marketing chiếm 7,35% tổng nhu cầu, tập trung ở các vị trí việc làm như: chuyên viên marketing, nhân viên truyền thông, chuyên viên phát triển thương hiệu sản phẩm, nhân viên digital marketing, nhân viên quảng cáo thương hiệu,…
- Hành chính – văn phòng – biên phiên dịch chiếm 5,22% tổng nhu cầu, tập trung ở các vị trí việc làm như: nhân viên hành chính tổng hợp, giám sát viên văn phòng, nhân viên văn phòng, trợ lý giám đốc, biên dịch viên tiếng anh, chuyên viên tổng hợp, thư ký hành chính, văn thư lưu trữ,…
- Công nghệ thông tin chiếm 4,82% tổng nhu cầu, tập trung ở các vị trí việc làm như: nhân viên IT, chuyên viên quản trị website, chuyên viên phần mềm máy tính, lập trình viên, nhân viên kỹ thuật máy tính, nhân viên phát triển trang web, quản trị hệ thống, kỹ sư lập trình ứng dụng, kỹ thuật sửa chữa bảo hành máy tính,…
- Dịch vụ vận tải – kho bãi - dịch vụ cảng chiếm 4,77% tổng nhu, tập trung ở các vị trí việc làm như: nhân viên giao hàng, thủ kho, tài xế, nhân viên hiện trường, chuyên viên chứng từ xuất nhập khẩu, nhân viên thủ tục hải quan, nhân viên logistics, nhân viên điều phối vận tải,…
- Dệt may – giày da chiếm 4,72% tổng nhu cầu, tập trung ở các vị trí việc làm như: công nhân may, kỹ thuật chuyền may, thợ rập, nhân viên may mẫu thời trang, thợ phụ, thợ đứng máy may công nghiệp,…
- Tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm chiếm 4,51% tổng nhu cầu, tập trung ở các vị trí như: giao dịch viên, chuyên viên tư vấn bảo hiểm, nhân viên hỗ trợ tín dụng, chuyên viên đầu tư và phân tích tài chính, chuyên viên quan hệ khách hàng cá nhân, chuyên gia kiểm soát tài chính, nhân viên hỗ trợ thu hồi nợ, chuyên viên thẩm định tín dụng, chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp,…
- Công nghệ lương thực - thực phẩm chiếm 4,49% tổng nhu cầu, tập trung ở các vị trí việc làm như: thợ chế biến thực phẩm, nhân viên KCS, kỹ sư dinh dưỡng, công nhân sản xuất đồ uống, công nghệ thực phẩm,…
- Các nhóm nghề khác chiếm 35,47% tổng nhu cầu, tập trung ở các vị trí việc làm như: chuyên viên nhân sự, kế toán bán hàng, hướng dẫn viên du lịch, phụ bếp, giám đốc sản xuất, kinh doanh bất động sản, bảo vệ nội bộ, tạp vụ, kỹ sư cơ điện, kỹ sư công trình xây dựng, giảng viên kiến trúc, chuyên viên kiểm định chất lượng, nhân viên pháp chế, biên tập viên,…
Biểu 04: Các nhóm nghề có nhu cầu nhân lực cao quý I năm 2020 (%)
1.4. Theo cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật
Kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu tuyển dụng ở lao động đã qua đào tạo chiếm 85,72% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở một số nhóm nghề như: Tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; công nghệ thông tin; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; marketing; quản lý điều hành; dịch vụ vận tải – kho bãi - dịch vụ cảng; y - dược; kế toán - kiểm toán;...Trong đó, nhu cầu nhân lực đối với trình độ đại học trở lên chiếm 22,19%, cao đẳng chiếm 17,04%, trung cấp chiếm 21,42%, sơ cấp chiếm 25,07%.
Lao động chưa qua đào tạo chiếm 14,28% tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề: hóa chất - nhựa - cao su; dệt may – giày da; công nghệ lương thực - thực phẩm; kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân; bảo vệ; in ấn; kinh doanh quản lý tài sản - bất động sản; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống;…
Biểu 05: Nhu cầu nhân lực theo cơ cấu trình độ CMKT quý I /2021(%)
1. Theo mức lương và kinh nghiệm làm việc
- Về mức lương, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở mức lương từ 5 – 15 triệu đồng, cụ thể:
+ Mức lương từ trên 5 - 10 triệu đồng chiếm tỷ trọng cao nhất với 58,85% tổng nhu cầu, ở các vị trí việc làm như: nhân viên kế toán, nhân viên hành chính nhân sự, điều dưỡng, kỹ sư cơ khí, kỹ thuật viên spa, nhân viên vận hành máy móc, bán hàng qua điện thoại, nhân viên bảo trì, nhân viên kho, tư vấn khách hàng, lái xe, thợ sữa chữa điện, nhân viên thu mua,…
+ Mức lương từ trên 10 - 15 triệu đồng chiếm 23,8%, ở các vị trí như: chuyên viên xuất nhập khẩu, nhân viên chăm sóc khách hàng, chuyên viên digital marketing, chuyên viên hỗ trợ thu hồi nợ, chuyên viên kiểm soát nội bộ, kinh doanh bất động sản, chuyên viên truyền thông, giao dịch viên, biên phiên dịch,…
+ Mức lương từ trên 15 - 20 triệu đồng chiếm 7,95%, tập trung tuyển dụng ở các vị trí việc làm như: lập trình viên, marketing online, nhân viên đại diện bán hàng, quản lý bán hàng cao cấp, thư ký giám đốc, trưởng phòng kế toán – vật tư, chuyên viên thẩm định khách hàng doanh nghiệp, chuyên viên đào tạo,…
+ Mức lương trên 20 triệu đồng chiếm 8,43%, chủ yếu ở các công việc đòi hỏi trình độ tay nghề chuyên môn cao như: giám đốc kinh doanh, chuyên viên đầu tư tài chính, trưởng phòng nhân sự, bác sỹ nha khoa, bếp trưởng, chỉ huy trưởng công trình cơ điện, chuyên gia tư vấn tài chính, chuyên viên triển khai phần mềm, chuyên viên hoạch định tài chính, chuyên viên pháp chế, giám sát dự án xây dựng, kế toán trưởng,…
Ngoài ra, với mức lương tuyển dụng dưới 5 triệu đồng chiếm 0,97% tổng nhu cầu, một số ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng các vị trí việc làm ngắn hạn, bán thời gian, không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm như: cộng tác viên kinh doanh, nhân viên phụ bếp, gia sư, trợ giảng, nhân viên lắp đặt nội thất, bảo vệ, lễ tân, tạp vụ, chăm sóc khách hàng, nhân viên hỗ trợ kinh doanh,….
Biểu 06: Nhu cầu tuyển dụng theo mức lương quý I năm 2021 (%)
- Về kinh nghiệm làm việc, nhu cầu tuyển dụng đối với lao động có kinh nghiệm làm việc chiếm tỷ lệ khá cao với 69,69% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó:
+ Có 01 năm kinh nghiệm làm việc: Chiếm tỷ trọng cao nhất với 34,47% tổng nhu cầu, chủ yếu ở các vị trí như nhân viên lễ tân, điều dưỡng viên, thu ngân, chuyên viên kế toán, nhân viên kinh doanh bất động sản, chuyên viên marketing, quan hệ khách hàng cá nhân, dược sỹ, đầu bếp nhà hàng, thiết kế kiến trúc, kỹ sư cơ điện, nhân viên nhập liệu,…
+ Từ 02 đến 05 năm kinh nghiệm làm việc: Chiếm 23,88% tổng nhu cầu, chủ yếu ở các vị trí việc làm như chuyên viên đào tạo, chuyên viên kiểm soát nội bộ, nhân viên thẩm định tín dụng, điều phối viên vận tải, chuyên viên pháp lý, chuyên viên phát triển sản phẩm, chuyên viên phân tích tài chính, kỹ sư xây dựng, lập trình viên, phiên dịch viên, quản lý ngành hàng,…
+ Trên 05 năm kinh nghiệm làm việc: Chiếm 8,34% tổng nhu cầu, chủ yếu ở các vị trí việc làm như quản lý dự án đầu tư, chuyên viên chứng từ xuất nhập khẩu, giám sát bán hàng, giảng viên kiến trúc, kế toán trưởng, điều phối đơn hàng, chỉ huy trưởng công trình, chuyên viên truyền thông, giám đốc sản xuất, kỹ sư thiết kế hệ thống điện, trưởng phòng kinh doanh,…
Nhu cầu nhân lực không yêu cầu kinh nghiệm làm việc chiếm 33,31%, ở các vị trí nhân viên giao hàng, nhân viên tư vấn qua điện thoại, nhân viên trưng bày hàng siêu thị, tạp vụ, bảo vệ, nhân viên bán hàng, nhân viên lắp đặt điện nước, bếp phó, biên tập viên, thu ngân thời vụ, công nhân may, công nhân lắp ráp thiết bị điện tử, thợ sản xuất cơ khí, nhân viên kho, hỗ trợ thu hồi nợ,…
Biểu 07: Nhu cầu tuyển dụng theo kinh nghiệm quý I/2021 (%)
2. Nhu cầu tìm kiếm việc làm
Trong 3 tháng đầu năm 2021, nhu cầu tìm kiếm việc làm tập trung nhiều ở các nhóm nghề: Kinh doanh thương mại (19,56%), hành chính - văn phòng - biên phiên dịch (13,3%), kế toán – kiểm toán (9,06%), nhân sự (6,53%), kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng (5,95%), dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển (5,84%), marketing (5,77%), dịch vụ vận tải – kho bãi - dịch vụ cảng (5,3%), công nghệ thông tin (4,56%), kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử (4,23%) và các nhóm nghề khác (19,9%).
Biểu 08: Các nhóm nghề có nhu cầu tìm việc cao quý I /2021 (%)
- Theo cơ cấu trình độ: Nhu cầu tìm việc của người lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ 93,84% tổng nhu cầu nhân lực, trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 60,1%, cao đẳng chiếm 23,54%, trung cấp chiếm 8,59%, sơ cấp chiếm 1,61%. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm việc của lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá thấp với 6,16% tập trung ở một số vị trí việc làm như: lao động thời vụ, nhân viên an ninh, nhân viên giao hàng, huấn luyện viên, kỹ thuật chăm sóc da, nhân viên đặt lịch hẹn, nhân viên đóng gói hàng hóa, hộ lý, nhân viên giúp việc, nhân viên may mẫu, nhân viên lắp đặt nội thất, nhân viên tiếp thị sản phẩm, nhân viên vận hành máy in, nhân viên thu cước, thợ hàn, thợ tiện,…
Biểu 09: Nhu cầu tìm việc theo cơ cấu trình độ quý I năm 2021 (%)
- Về mức lương: Nhu cầu tìm việc của người lao động tập trung nhiều ở mức lương trên 5 triệu đồng/tháng với 88,27%, cụ thể: từ 5 - 10 triệu đồng chiếm 58,09%, từ 10 - 15 triệu đồng chiếm 18,96%, từ 15 - 20 triệu đồng chiếm 6,06%, trên 20 triệu đồng chiếm 5,16%. Bên cạnh đó, mức lương dưới 5 triệu chiếm 11,73% tổng nhu cầu tìm việc, chủ yếu ở các vị trí như: Nhân viên giao hàng, nhân viên hành chính, nhân viên bán hàng, nhân viên đóng gói hàng hóa, nhân viên hỗ trợ tín dụng, cộng tác viên nhập liệu,…
- Về kinh nghiệm làm việc: Nhu cầu tìm việc ở lao động có kinh nghiệm làm việc chiếm 66,74%, cụ thể: 01 năm kinh nghiệm chiếm 14,19%, từ 2 - 5 năm chiếm 32,37%, trên 5 năm chiếm 20,18%. Và nhu cầu tìm việc ở lao động không có kinh nghiệm chiếm 33,26%, chủ yếu nhu cầu ở một số việc làm như: cộng tác viên nhập liệu, chuyên viên hỗ trợ tín dụng, giao dịch viên, giáo viên mầm non, nhân viên nhân sự, thu ngân, bảo trì điện, nhân viên buồng phòng, nhân viên giao nhận hàng hoá, lễ tân, nhân viên nhắc phí, nhân viên pha chế, nhân viên trực tổng đài, thực tập sinh pháp lý, thực tập sinh kế toán,…
3. Nhận định chung:
Mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng trong những tháng đầu năm 2021 kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có nhiều điểm sáng khi các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đều có mức tăng trưởng khả quan hơn so cùng kỳ. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất khi năm 2021 là năm đầu tiên Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI và thực hiện chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Chính quyền Thành phố về phòng chống dịch Covid-19 cùng với những tín hiệu khả quan về vaccine phòng dịch là tia sáng cho việc phát triển kinh tế, xã hội Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước phục hồi hoạt động kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã có những giải pháp sáng tạo, nỗ lực vượt khó, từng bước phục hồi sản xuất và có đà phát triển. Đồng thời, trong những tháng đầu năm doanh nghiệp bắt đầu triển khai chiến lược sản xuất, kinh doanh và tiến hành thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho việc mở rộng, phát triển doanh nghiệp, do đó, thị trường lao động quý I năm 2021 có phần sôi động và có triển vọng hơn so với cùng kỳ năm 2020.
II. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ II NĂM 2021
Cùng với những tín hiệu khả quan từ việc phục hồi, ổn định và phát triển của các doanh nghiệp sau hơn 1 năm bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, Chính phủ và Chính quyền Thành phố không ngừng đẩy mạnh thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế, tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Thành phố cũng ứng dụng trao đổi trực tuyến để duy trì mối quan hệ hợp tác với nước ngoài, giúp kinh tế Thành phố không bị gián đoạn trong giai đoạn dịch bệnh. Điều này, góp phần phát triển thị trường lao động trong thời gian tới.
Dự kiến nhu cầu nhân lực quý II năm 2021 cần khoảng 68.600 – 73.500 chỗ làm việc, nhu cầu tuyển dụng ở các nghề: công nghệ thông tin; kỹ thuật điện - điện lạnh – điện công nghiệp - điện tử; cơ khí – tự động hóa; hóa chất – nhựa – cao su; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; y dược; kế toán – kiểm toán; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ du lịch – lưu trú và ăn uống
Xu hướng tuyển dụng gia tăng ở lao động có trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85,7%, trong đó, trình độ sơ cấp chiếm 24,51%, trung cấp chiếm 22,08%, cao đẳng chiếm 18,45%, đại học trở lên chiếm 20,66%.
Bên cạnh đó, thị trường lao động chứng kiến sự thay đổi lớn do tác động của dịch Covid-19 và định hướng phát triển kinh tế số tại Thành phố. Rất nhiều doanh nghiệp đang đặt hàng tuyển dụng các công việc có trình độ cao như chuyên gia phân tích, chuyển đổi số, an ninh mạng, kỹ sư phần mềm, công nghệ thông tin, điện tử,..../.
[1] Cung lao động: 19.482 người; Cầu lao động: 14.450 lượt doanh nghiệp.