Từ thủ khoa trường cao đẳng đến công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM ở tuổi 18

07/01/2022 11:02:49

Chưa đầy 1 tháng, Trần Đặng Văn Tài - 18 tuổi, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM - được xướng tên đến 2 lần trong những buổi lễ vinh danh trang trọng, gồm chương trình 'Vinh danh thủ khoa' và 'Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM' 2021.

Từ thủ khoa trường cao đẳng đến công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM ở tuổi 18 - Ảnh 1.

 Trần Đặng Văn Tài (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng các công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2021 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đáng chú ý, cũng đã tròn 10 năm kể từ lần cuối cùng trong chương trình vinh danh "Công dân tiêu biểu TP.HCM" thường niên có sự xuất hiện của một sinh viên thuộc khối giáo dục nghề nghiệp, hiện gồm các trường cao đẳng và trung cấp.

Lớn lên bên tô bún, tô phở của mẹ

Từ nhỏ, Văn Tài chỉ sống cùng mẹ tại Q.9, nay là TP Thủ Đức. Nguồn kinh tế của hai mẹ con trong gần 20 năm qua phần lớn phụ thuộc vào quán cóc được căng bạt dựng sát vách ngoài chung cư văn hóa Phước Long B (TP Thủ Đức).

Sáng sáng, mẹ của Tài bán các món điểm tâm, hôm thì bún, hôm thì phở, hủ tiếu. Xế chiều, bà lại bày vài món "ăn chơi" như bột chiên, mì xào… kiếm thêm thu nhập.

Từ những năm cấp 1, Tài đã vừa học, vừa đỡ đần cho mẹ. Nhiều hôm, Tài dậy rất sớm cùng mẹ chuẩn bị nguyên liệu, dọn bàn ghế từ nhà ra chỗ bán. Xong xuôi, Tài mới sửa soạn đến trường.

Ở lớp, Tài cố gắng hoàn tất mọi bài tập về nhà trước khi tan trường để chiều có thời gian tiếp tục ra quán phụ mẹ chạy bàn, giao hàng, dọn dẹp hay đi chợ.

Buổi tối, Tài cố gắng thức khuya hơn một chút để ôn bài, đặc biệt là trong cao điểm thi cử. "Những năm cuối cấp, sợ tôi sao nhãng việc học, mẹ thường xuyên nhắc nhở. Mẹ nói nhà mình không ai được học hành tử tế, chỉ có mình con nên phải ráng hết sức nhen con", Tài nhớ lại.

Tài cho rằng đó cũng là động lực để bạn luôn nỗ lực từng ngày. Những năm cấp 3, thành tích học của Tài ở Trường THPT Phước Long luôn ở ngưỡng giỏi. Cuối năm 12, Tài dồn hết sức học hành để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp "lịch sử" được tổ chức giữa mùa COVID-19.

Kết quả, trong đợt xét tuyển ĐH - CĐ năm 2021, Tài đậu vào 3 trường gồm Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP.HCM và Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức.

Vốn đam mê ngành ô tô, yêu thích công việc dùng tay chân hơn là ngồi một chỗ, lại muốn chọn trường học phí thấp để giảm gánh nặng cho gia đình, Tài quyết định theo hướng giáo dục nghề nghiệp, vào Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức với điểm xét tuyển cao nhất trường (25,5 điểm).

Đầu tháng 12 vừa qua, Tài là một trong 46 tân thủ khoa tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH, CĐ được Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM vinh danh.

Từ thủ khoa trường cao đẳng đến công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM ở tuổi 18 - Ảnh 2.

Văn Tài trong một tiết học trực tuyến - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Vừa thi tốt nghiệp xong đã lao vào chống dịch

 Khác với nhiều thí sinh sau khi hoàn tất kỳ thi tốt nghiệp THPT thường nghỉ ngơi, xả hơi, Tài lại "xếp bút nghiên" đăng ký vào lực lượng thanh niên hỗ trợ chống dịch của phường Phước Long B.

Tài kể khi đó thấy dịch đang sắp sửa bước vào cao điểm, gia đình, họ hàng ai nghe tin Tài đi tình nguyện cũng đều can ngăn. Nhưng Tài nghĩ mình còn trẻ, có sức khỏe, lại gắn bó với địa phương từ nhỏ tới lớn, nên giờ khi cộng đồng cần người giúp sức vượt qua đại dịch, mình sao đành đứng ngoài cuộc?

Vậy là Tài gia nhập vào nhiều đội hình chống dịch. Lúc thì túc trực tại các điểm chốt nhắc nhở người dân hạn chế ra đường, lúc theo các đoàn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" lấy mẫu, lúc giúp thống kê, nhập liệu, lúc thì đến các hộ dân gửi những gói an sinh đang gặp khó khăn.

Không chỉ "chiến đấu" trên mặt trận của phường Phước Long B, Tài cũng xung phong vào các nhóm hỗ trợ cho các phường khác ở Q.9 (cũ), ngoài ra còn nhận thêm nhiều chuyến tiếp sức cho người dân của Đoàn thanh niên TP Thủ Đức.

Anh Tô Thanh My - bí thư Đoàn Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức - chia sẻ dù tới nay các tân sinh viên như Tài vẫn chưa đến trường học trực tiếp nhưng bạn đã là một gương mặt quen thuộc trong các hoạt động của trường suốt mùa dịch. Tài nhận chuyển các nhu yếu phẩm của trường hỗ trợ đến cho các sinh viên còn kẹt lại TP.HCM vì dịch COVID-19.

Nhiều tuần liền, Tài ngày nào cũng rong ruổi đến gửi gạo, thực phẩm đến cho các bạn. "Tôi cũng rất bất ngờ vì một sinh viên năm nhất như Tài đã rất xông xáo ngay trong giai đoạn khó khăn. Gần như trường có hoạt động cộng đồng nào trong mùa dịch vừa qua là Tài có mặt hỗ trợ", anh My nói.

Tài tâm sự những tuần cao điểm, mỗi ngày bạn ra khỏi nhà khi mặt trời chưa mọc và về tới nhà lúc đã tối mịt. Dù vậy, niềm vui của những người được giúp đỡ đã tiếp thêm cho Tài nhiều động lực.

Tài nhớ hoài các gia đình trong những căn phòng trọ xập xệ khi thấy nhóm của bạn mang gạo, mì đến trao là mừng muốn khóc và liên tục nói lời cảm ơn. Họ lại í ới hàng xóm ở các phòng cạnh bên cùng nhau chia sẻ những phần quà nhận được.

"Tôi xúc động khi thấy trong mùa dịch tình người lại thêm gắn kết. Bởi vậy mà hầu hết những phần hỗ trợ bản thân tôi được nhận khi làm tình nguyện viên, tôi đều mang gửi đến những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, để họ có thể bớt khó khăn, vượt qua đại dịch" - Tài nói.

Từ thủ khoa trường cao đẳng đến công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM ở tuổi 18 - Ảnh 3.

Trần Đặng Văn Tài (giữa) trong buổi lễ vinh danh thủ khoa năm 2021 - Ảnh: QUỐC LINH

Áp lực khi là thủ khoa

Được góp mặt trong chương trình "Vinh danh thủ khoa" do Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM tổ chức ngày 4-12 vừa qua, Tài cảm thấy khá áp lực.

Tài tự nhận dẫu rằng thành tích của mình thủ khoa trường CĐ có cao nhưng nếu so với các bạn cùng nhận danh hiệu này ở các trường ĐH thì mình vẫn còn kém hơn các bạn ấy rất nhiều.

"Nhưng đó cũng là động lực để mình tiếp tục học và phấn đấu trên con đường đã chọn", Tài nói. Cụ thể, Tài vừa được nhận vào một nhóm nghiên cứu khoa học của trường, thực hiện một đề tài về cải thiện hệ thống phun xăng trong ô tô. Đây cũng sẽ là một trong những mục tiêu phấn đấu của Tài trong năm 2022.

Ông Võ Long Triều, hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, chia sẻ những sinh viên như Tài chọn theo con đường giáo dục nghề nghiệp sẽ là điểm sáng để nhiều bạn trẻ có cái nhìn tích cực hơn về các trường nghề.

Điều này còn giúp ngành giáo dục có thể hoàn thành tốt công tác phân luồng học sinh ở TP.HCM trong thời gian tới.

Nguồn: http://gdnn.gov.vn/