Kỉ niệm 80 năm thành lập Đội TNTP HCM (15/05/1941 – 15/05/2021)
TỪ ĐỘI VIÊN TRỞ THÀNH GIÁM ĐỐC SỞ
3 lần thoát chết trước họng súng quân thù, câu bé giao liên Lê Minh Tấn (10 tuổi) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần gan dạ và vô cùng thông minh. Người đội viên năm xưa này đã là Giám đốc một Sở lớn của thành phố.
Hiểm nguy không chùng bước
Chú Lê Minh Tấn tham dự chương trình gặp gỡ lãnh đạo thành phố với đội viên nhân dịp đầu năm mới.
Người Liên đội trưởng Lê Minh Tấn năm xưa vẫn rạng ngờ niềm tin yêu Đội.
Ngày ấy, sau khi nhận mật lệnh, lúc mặt trời xuống là cậu bé giao liên Lê Minh Tấn liền khoát ngay chiếc túi cũ sờn rách lên vai để bắt đầu chuyến hành trình nguy hiểm. Lom khom di chuyển theo bờ mương có bụi tre già tương tự như người đi mót lúa lép, gỡ nom bắt cá đồng …thì bắt chợt có tiếng hét to của bọn lính ngụy đi phục kích: “Ê nhỏ, đứng lại không tao bắn bây giờ!”. Lúc đó, cậu bé Tấn nghĩ nhanh: “Đứng lại là chết, túi thuốc, bông băng, chai nước biển của cô bác trong xóm gửi tiếp tế cho du kích trong rừng coi như mất. Sao đây?” Ngó thấy khoảng cách vào tới khu bãi mìn của du kích xã không xa, Tấn liền khom người sát đất và vùng chạy hình chữ chi để trốn đám lính. Mặc cho tiếng súng nổ vang trời và đạn bay chéo chéo…ít phút sau bạn đã ở trong hậu cứ của du kích xã. Nhờ vậy mà chuyến đi đã đến đích, đồ đạt đã được tiếp tế tận tay người cần! Nhớ mãi cảm giác hồi hộp này, chú Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM bật cười: “Ngày đó, chú chỉ biết làm hết sức mình để giúp đỡ thật nhiều cô bác, các anh du kích trong xã chứ không nghĩ gì!” Trong những lần đi giao liên khác, khi đứng trước những tình huống nguy hiểm, cậu giao liên lại luôn gan góc tìm ra cách thoát thân hết sức nhanh chóng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trưởng thành từ Đội
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, đội viênLê Minh Tấn đã trở thành Liên Chi đội trưởng Chi đội Thiếu niên tiền phong Lý Tự trọng tại xã Thái Mỹ, H. Củ Chi. Khi nghe tin có phong trào Kế hoạch nhỏ xây dựng Đoàn tàu Thống Nhất, bạn Tấn đã rủ bạn bè mình thực hiện hàng loạt hoạt động như thu gom giấy vụn, vỏ bom đạn và nhất là nuôi gà. Chú Lê Minh Tấn mỉm cười: “Hồi lúc phát động, đội viên trong xã hưởng ứng nhiệt liệt, có lúc đàn gà lên tới hơn 600 con, ai cũng tự làm chuồng cho gà mình nuôi. Mình còn đề nghị về nhà, các bạn nuôi thêm 1 con nữa. Các bạn cũng đồng ý luôn. Mình đề xuất thêm là gà nhà thì cột thêm miếng vải đỏ để phân biệt. Lúc hội thu nhìn hàng trăm con gà la quát quát, ai này cũng sung sướng… Toàn bộ tiền thu được đều ủng hộ hết! Vui ơi là vui!”. Chưa hết, bạn Tấn cùng các đội viên còn thực hiện công trình đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng việc sửa nhà, trồng cây xanh, dọn nghĩa trang…Từ những hoạt động này, Liên đội trưởng Lê Minh Tấn càng ý thức về những đóng góp của mình cũng như Liên Đội đối với mọi người.
Vẫn mãi tự hào về Đội
Với những cống hiến không ngừng nghỉ từ Đội viên rồi Đoàn thanh niên, Chủ tịch xã, chủ tịch UBND Huyện Củ Chi, Bí thư huyện ủy, chú Lê Minh Tấn tiếp tục cống hiến hết mình với thành phố khi ở cương vị Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM. Chú nhắn nhủ: “Các bạn thiếu nhi thân thương! Gần nữa thế kỷ thành phố được giải phóng, các bạn được sống trong trong hoà bình, được sự yêu thương chăm sóc, học hành, vui chơi giải trí. Chú mong các bạn cố gắng học hành đến nơi đến chốn, yêu tổ quốc yêu đồng bào, yêu đất nước và thành phố này. Đồng thời các bạn phải hiểu sâu sắc truyền thống cách mạng, chính nhờ cái giá trị này các cháu mới có cuộc sống tươi đẹp hôm nay. Vì thế, các bạn phải ra sức xây dựng Đội ta ngày càng lớn mạnh, có nhiều phong trào như năm xưa! Thực hiện kế hoạch nhỏ, phong trào Trần Quốc Toản, chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ, Bà mẹ VNAH, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng các góc truyền thống, Địa chỉ Đỏ...Kính mong các bậc làm cha làm mẹ... hãy tạo điều kiện cho con em mình được tham gia sinh hoạt Đội, đây là môi trường để các em hoàn thiện nhân cách, lối sống và mức sống!
Nguyễn Hưng – theo lời kể của chú Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM.