Tính đến tháng 05/2021, số lao động đã qua đào tạo đạt 33.707/138.000 người, đạt tỉ lệ 24.42% so với Kế hoạch năm. Trong đó, trình độ đại học là 2.536 người, trình độ Cao đẳng là 6.635 người, trình độ Trung cấp là 2.327 người, trình độ sơ cấp, thường xuyên: 22.209 người (trong đó có 6.500 người có chứng chỉ đã qua đào tạo). Nâng tổng số lao động đã qua đào tạo đến tháng 06/2021: 4.077.833/4.818.901 người, đạt tỉ lệ 84,62%/chỉ tiêu năm 2021 là 85,65%.
Theo đánh giá của ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ – TB&XH TPHCM cho biết: Trong gần 05 tháng đầu năm do tình hình dịch bệnh Covid – 19 kéo dài nên đã ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Song, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã có nhiều sáng kiến, đổi mới trong hoạt động chuyên môn góp phần thực hiện hiệu quả chỉ tiêu của ngành đề ra. Bên cạnh đó, Sở lao động – Thương binh và Xã hội đã bám sát tình hình và chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng nhiều giải pháp linh hoạt trong công tác tuyển sinh và đào tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Đồng thời, Sở chủ động phối hợp xây dựng 06 chương trình, dự án về GDNN trình UBND TPHCM xem xét trong 5 tháng đầu năm.
Sinh viên trong giờ học thực hành nghề Điện điện tử
Ngoài ra, từ ngày 01/01/2021 – 05/6/2021, Sở đã tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho 71 lượt hồ sơ. Trong đó, Cấp 19 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Cấp 18 giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, 02 lượt hồ sơ còn trong thời gian thẩm định, 17 lượt trả hồ sơ bằng văn bản, 13 lượt hồ sơ công nhận Hiệu trưởng, 01 lượt hồ sơ công nhận Hội đồng quản trị., 03 lượt hồ sơ đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Sinh viên trường CĐN TPHCM trong giờ học thực hành nghề Cơ khí chế tạo
Về việc thực hiện chương trình “Xây dựng định mức Kinh tế - Kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” chưa có cơ sở pháp lý thực hiện do Thông tư số 14/2017/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2017 hết hiệu lực từ này 15/02/2021 và Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/10/2020 quy định về xây dựng định mức Kinh tế - Kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa có hiệu lực (đến ngày 01/10/2021 mới có hiệu lực thi hành). Do đó, không có cơ sở pháp lý để thực hiện chương trình này.
Vì vậy, để thực hiện đạt kế hoạch đề ra trong công tác GDNN trong 6 tháng cuối năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, kế hoạch đào tạo như: Đẩy mạnh tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TPHCM để kịp thời triển khai thực hiện; Kế hoạch thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người mãn hạn tù tái hoà nhập cộng đồng; Kế hoạch thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người khuyết tật trên địa bàn Thành phố; Kế hoạch khảo sát cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Thành phố phục vụ công tác tổ chức, sắp xếp lại; Kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.
Sinh viên trường CĐN TPHCM trong giờ học thực hành nghề Cơ khí chế tạo
Đồng thời, Sở tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục đấu thầu các chương trình, đề án về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp năm 2021 theo Quyết định số 1328/QĐ-UBND ngày 16/4/2021. Thống kê số liệu tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố; số liệu đào tạo cho lao động nông thôn, số liệu lao động đã qua đào tạo…
Vương Linh
Nguồn: http://laodongxahoi.net/