Thí sinh lớp 9 của TPHCM đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập và sẽ có hàng chục ngàn em không trúng tuyển. Nhưng không có nghĩa “cánh cửa” đã đóng, bởi vẫn còn các lựa chọn mô hình trường, lớp khác đang đón đợi các em.
Phụ huynh được hướng dẫn về xét tuyển lớp 10 GDTX tại Trung tâm GDTX Chu Văn An
Lợi thế “3 năm 2 bằng”
Năm học 2022-2023, các trường THPT công lập trên địa bàn TPHCM tuyển 72.784 học sinh vào lớp 10. Tính ra, năm nay sẽ có 21.197 học sinh rớt khỏi “cuộc đua” này. Dù vậy, thành phố còn có 126 cơ sở giáo dục ngoài công lập, gồm hệ thống các trường dân lập, trường có vốn đầu tư nước ngoài, trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN) và các trường trung cấp… với gần 50.000 chỉ tiêu. Vì vậy, theo Sở GD-ĐT TPHCM, học sinh không lo thiếu chỗ học nếu rớt công lập.
TPHCM hiện có 30 trung tâm GDTX-GDNN, mỗi năm tuyển hàng chục ngàn chỉ tiêu lớp 10 GDTX và trung cấp nghề. Đơn cử, năm nay, Trung tâm GDTX-GDNN quận 6 tuyển sinh 750 chỉ tiêu lớp 10; Trung tâm GDTX-GDNN quận 10 tuyển 320 học viên. Thuận lợi của 2 trung tâm này là trong năm học 2022-2023 sẽ được bàn giao cơ sở mới với đầy đủ trang thiết bị, đáp ứng dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. “Ngay từ tháng 4, trung tâm đã tổ chức đoàn đến các trường THCS trên địa bàn để tư vấn; đồng thời gửi thư mời cho học sinh rớt lớp 10 công lập, vận động các em vào học hệ GDTX”, Th.S Trương Bá Hải, Giám đốc Trung tâm GDTX-GDNN quận 10, cho hay.
Học sinh lớp 10 hệ GDTX của Trung tâm GDTX Chu Văn An, quận 5 trong giờ học thực hành nghề trang điểm.
Ngồi cùng cha đợi hoàn thiện hồ sơ xét tuyển sáng 14-6, Trần Mỹ Nga (lớp 9, Trường THCS Hậu Giang, quận 11) kể, em sợ không đậu lớp 10 công lập nên bàn với ba mẹ quyết định nộp hồ sơ vào học lớp 10 hệ GDTX của Trung tâm GDTX Chu Văn An. “Ngoài học văn hóa THPT lớp 10, em còn đăng ký học trung cấp nghề Quản trị bếp và ẩm thực. Như vậy, sau 3 năm theo học tại trung tâm, em có thêm bằng trung cấp nghề ngoài bằng tốt nghiệp THPT. Lúc đó, em có thể lựa chọn học tiếp, hoặc bước chân vào thị trường lao động”, Trần Mỹ Nga cho biết.
Th.S Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, thông tin, đầu tháng 7, các trung tâm GDTX-GDNN mới bắt đầu bước vào mùa tuyển sinh, nhưng hiện trung tâm đã tiếp nhận 50 hồ sơ xét tuyển lớp 10 với 400 chỉ tiêu. Chương trình giáo dục của trung tâm bám sát các phương pháp giáo dục mới như dạy học trải nghiệm, dạy học bằng chuyên đề để tạo sự hứng thú cho học sinh.
Nhiều lối rẽ
Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm của học sinh hệ GDTX lên đến 95%-98%; tỷ lệ đậu vào cao đẳng, đại học tại nhiều trung tâm dao động từ 50%-70%. Có được sự chuyển mình này, phần nhiều do chính các trung tâm đang nỗ lực nâng chất bằng sự đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động giảng dạy để thích nghi với làn sóng đổi mới giáo dục và tiệm cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh lựa chọn học lớp 10 GDTX, thành phố còn có hơn 90 trường THPT ngoài công lập với 29.000 chỉ tiêu lớp 10 để học sinh lựa chọn. Hệ thống trường ngoài công lập có mức học phí trung bình 2-3 triệu đồng/tháng, phí nội trú 2-6 triệu đồng/tháng, bán trú 1-3 triệu đồng/tháng. Đối với trường có yếu tố nước ngoài sẽ có học phí dao động 20-60 triệu đồng/tháng.
Các trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 nhiều như: Trường THCS-THPT Trần Cao Vân (quận 12, Tân Phú, Gò Vấp) 1.680 học sinh; hệ thống Trường TH-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm (TP Thủ Đức, Gò Vấp) 1.280 chỉ tiêu lớp 10; Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP Thủ Đức) 1.035 chỉ tiêu…
Ở các trường trung cấp, cao đẳng, đối với hệ tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023, chỉ tiêu cũng tăng lên nhiều. Điều kiện thuận lợi để học sinh lớp 9 lựa chọn là mô hình 9+. Đây cũng chính là định hướng phân luồng của thành phố với mục tiêu phấn đấu mỗi năm có khoảng 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Học sinh các trường THCS quận Bình Tân tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM
Th.S Phan Văn Thanh Cần, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, cho biết, hàng năm, số lượng tốt nghiệp THCS vào trường khoảng 800 em. Trong 2 năm, học sinh sẽ học các môn chuyên ngành, đồng thời học 4 môn văn hóa theo quy định. Học sinh nào muốn dự thi tốt nghiệp THPT thì đăng ký học 7 môn văn hóa. Sau khi có bằng trung cấp, nếu có nhu cầu học cao lên thì các em học thêm 1,5 năm để lấy bằng cao đẳng.
Trong khi đó, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, Trường Cao đẳng Đại Việt TPHCM, Trung cấp Nam Sài Gòn, Trung cấp Hùng Vương, Trung cấp Việt Giao…, mỗi năm có 300-800 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề.
Theo TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, năm nay, trường này dự kiến tăng 1.000 chỉ tiêu tuyển sinh so với năm học trước, nâng tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 hệ trung cấp lên khoảng 4.000 chỉ tiêu. “Các em tiếp tục học chương trình phổ thông ở trường nghề, đồng thời học xen kẽ những kỹ năng, học giáo dục định hướng, kỹ năng mềm. Tất cả học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào trường đều được miễn 100% học phí”, TS Phạm Hữu Lộc cho biết thêm.
QUANG HUY
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/