Học viên trường nghề gặp khó vì chưa nhận được tiền cấp bù học phí

16/05/2022 13:51:40

Học viên phải vay nợ để học nghề

Cấp bù học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề là chính sách lớn của Chính phủ nhằm phân luồng, khuyến khích học sinh đi học nghề, giảm bớt tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" đang diễn ra nghiêm trọng trên thị trường lao động.

Những năm trước, chính sách này thực hiện ổn định theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Tuy nhiên, từ năm học 2021-2022, Nghị định 86 hết hiệu lực, thay thế bằng Nghị định 81 có nội dung tương tự, đơn giá hỗ trợ chi phí học tập dành cho nhóm trình độ giáo dục nghề nghiệp (trung cấp, cao đẳng) có thay đổi tăng hơn Nghị định 86.

Theo Nghị định 81, mức cấp bù học phí cao hơn nhưng học viên trường nghề nhiều nơi chưa được nhận.

Vướng mắc xảy ra khi Nghị định 81 không có thông tư hướng dẫn thực hiện. Nguyên nhân là việc tổ chức thực hiện Nghị định số 81 có liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau nên nếu xây dựng thông tư hướng dẫn thì phải bằng hình thức thông tư liên tịch. Nhưng theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì không còn hình thức thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Do đó, Nghị định 81 đã được xây dựng theo hướng quy định chi tiết để có thể thực hiện ngay sau khi được ký ban hành, các sở, ban ngành địa phương căn cứ vào nghị định để triển khai thực hiện. Nhưng tại TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam, có nơi không dám áp dụng Nghị định 81 khi chưa có hướng dẫn nên xảy ra tình trạng nhiều học viên trường nghề chưa được cấp bù học phí năm học 2021-2022.

Phát biểu tại hội nghị quy tụ gần 100 cơ sở GDNN trên địa bàn TPHCM, ông Trần Thành Đức, Hiệu trường Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt, than phiền việc chậm trễ thực hiện Nghị định 81 đã khiến các trường và bản thân các em học viên học nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cho biết nhiều em học sinh gia đình khó khăn, phải đi vay tiền để đóng học phí trông chờ vào khoản cấp bù này của Nhà nước để trả nợ, nhưng nay không được nhận, lâm vào cảnh nợ nần.

Lãnh đạo một trường trung cấp còn mệt mỏi tâm sự: "Khi tư vấn hướng nghiệp cho các em, mình nói rõ chính sách ưu đãi của nhà nước, các em nghe theo nên chọn học nghề. Đến nay các em đem hồ sơ hỗ trợ học phí về địa phương nhận tiền thì không được nhận".

Ban đầu thì mừng, giờ lại lo

Theo ông Nguyễn Quốc Thệ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh, cả xã hội đang chạy theo bằng cấp, việc đi học nghề ít được quan tâm nên chính sách hỗ trợ học phí là cứu cánh của các trường trung cấp. Ông Thệ đánh giá chính sách này là điểm hấp dẫn để trường nghề tồn tại.

Khi Nghị định 81 ban hành, ông Thệ rất mừng vì mức hỗ trợ tăng lên, các trường có thể nâng học phí lên một chút để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy… Nhưng giờ ông Thệ lại lo lắng vì đình trệ giải ngân, chưa biết khi nào các em được cấp tiền.

Ông nói: "Ở các trường tư, cấp bù học phí là cấp cho học sinh, các em lên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nơi thường trú để nhận tiền hỗ trợ rồi đóng lại cho trường. Nhưng thời gian qua hầu như không được giải ngân".

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh cho biết, năm học vừa qua trường tuyển hơn 100 học viên thì có 60 em là học sinh tốt nghiệp THCS, 50 em ở TPHCM và 10 em ở tỉnh nhưng không được giải quyết hết. Các em không nhận được tiền, phụ huynh lên tận trường phê bình trường nói láo để tuyển sinh.

Rất nhiều trường nghề quan tâm đến việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 81.

Ông Nguyễn Thành Đức, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt cho biết trường tuyển sinh nhiều em học sinh tốt nghiệp THCS ở tỉnh, các em cũng rất khó khăn trong việc nhận tiền hỗ trợ học phí theo Nghị định 81. Ông than: "Không biết phải làm thế nào để được giải ngân".

Theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, chỉ riêng trong học kỳ 1 năm học vừa qua, học sinh của trường nợ học phí đến 1,5 tỷ đồng vì chưa nhận được tiền cấp bù học phí.

Ông Hoàng Quốc Long tìm hiểu và được biết là phòng LĐ-TB&XH các quận huyện tại TPHCM đang chờ đợi văn bản hướng dẫn của thành phố nên họ không dám nhận hồ sơ.

Ông Long cho rằng: "Nếu vướng mắc này không được giải quyết sớm thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm nay".

Bởi việc tuyến sinh năm học 2022-2023 đang cận kề, các em lớp 9 chuẩn bị tốt nghiệp rồi mà chính sách ưu đãi lớn nhất cho học viên trường nghề là cấp bù học phí không thể triển khai thì làm sao thu hút học sinh?

Ông Hoàng Quốc Long đề nghị UBND TPHCM sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 81, hoặc Nghị định 81 không cần hướng dẫn thì có chỉ đạo các quận huyện thực hiện, hoặc chưa áp dụng được Nghị định 81 vì thiếu tài chính thì tạm áp dụng Nghị định 86 để giải quyết khó khăn hiện tại cho các em học sinh.

Chia sẻ cùng khó khăn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM) cho biết các ban ngành của thành phố cũng đã bàn thảo nhiều về việc này từ cuối năm 2021 nhưng chưa đi đến thống nhất. Do đó, ông ghi nhận và tổng hợp ý kiến phản ánh của các trường, đề đạt lên các cấp có thẩm quyền. 

Ông Đặng Minh Sự nhấn mạnh: "Phòng GDNN sẽ tổng hợp ý kiến của các trường, tham mưu cho Ban giám đốc Sở LĐ-TB&XH kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành liên quan ngồi lại với nhau để bàn bạc, ban hành quy định hướng dẫn thực hiện Nghị định 81 để nhanh chóng triển khai".

Tùng Nguyên

Nguồn: https://dantri.com.vn/