Dừng dạy chương trình văn hóa: Trường nghề gặp khó

29/04/2022 14:44:53

Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ về việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (chương trình văn hóa) từ khóa tuyển sinh năm 2022 phải phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) để thực hiện. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo GDNN cho rằng, việc này sẽ gây khó khăn cho các trường cũng như cho người học và ảnh hưởng đến công tác phân luồng từ bậc trung học cơ sở. 

Học sinh ngành chăm sóc sắc đẹp Trường Cao đẳng Viễn Đông trong giờ học thực hành

Không được tiếp tục dạy văn hóa 

Theo công văn của Bộ GD-ĐT vừa trình Chính phủ, đối với những khóa tuyển sinh từ năm học 2021 trở về trước, hiện đang tổ chức dạy chương trình văn hóa, cơ sở GDNN được phép tiếp dục dạy chương trình này nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định. Từ khóa tuyển sinh năm 2022, cơ sở GDNN dạy chương trình văn hóa phải phối hợp với TTGDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để tổ chức dạy học.

Lý giải việc các cơ sở GDNN không được tiếp tục dạy chương trình văn hóa, Bộ GD-ĐT dẫn Luật Giáo dục 2019 quy định, chương trình giáo dục văn hóa phải thực hiện với thời lượng đủ 3 năm học, được linh hoạt tùy điều kiện. Trong khi đó, Luật GDNN quy định thời gian đào tạo theo niên chế trình độ trung cấp với người tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1 đến 2 năm học. Do đó, học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp trong thời gian 1-2 năm không thể vừa hoàn thành chương trình GDNN lại vừa hoàn thành chương trình văn hóa cấp THPT.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, theo Luật Giáo dục, học viên học hết chương trình giáo dục văn hóa cấp THPT nếu thi trượt tốt nghiệp THPT hoặc không dự thi thì người đứng đầu TTGDTX cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trung tâm không thể cấp giấy chứng nhận nếu không dạy học viên. Trong công văn trình Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đang tích cực rà soát, hoàn thiện để ban hành sớm nhất thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. 

Khó cho trường nghề

Theo Th.S Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội GDNN TPHCM, thực tế công văn của Bộ GD-ĐT là đẩy phần khó về cho các cơ sở GDNN lẫn người học và xa hơn là công tác phân luồng học sinh. Đơn cử như học sinh ở trường trung cấp học nghề theo hệ 9+2 (sau 2 năm tốt nghiệp trung cấp và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa THPT) trước đây, trường trung cấp dạy luôn các môn văn hóa. Nếu theo quy định mới, các em học nghề ở trường nghề nhưng phải di chuyển đến các TTGDTX để học văn hóa. Đây rõ ràng là sự bất lợi cho người học và cả cơ sở GDNN. Đó là chưa kể ở các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, học sinh đi lại còn khó khăn hơn nhiều. 

Theo các chuyên gia giáo dục, việc kết hợp với TTGDTX để dạy văn hóa lại tăng thêm một sự phối hợp, thêm các quy định chỉ tốn thời gian và sự bất lợi. “Bộ GD-ĐT cho rằng đang tích cực rà soát, hoàn thiện để ban hành sớm nhất thông tư quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT tại các cơ sở GDNN, nhưng cụ thể khi nào thì không biết trong khi vấn đề này đã được đề cập 2 năm nay rồi. Nếu Bộ GD-ĐT không làm sớm thì sẽ rất bất lợi cho các trường nghề”, lãnh đạo một cơ sở GDNN thắc mắc.

Th.S Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TPHCM, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở GDNN tuyển sinh đã rất chật vật. Quy định này của Bộ GD-ĐT không tạo thuận lợi mà còn tăng thêm khó khăn cho các trường nghề. Điều Bộ GD-ĐT cần làm là phải công bố sớm các điều kiện, tiêu chuẩn về chương trình để các trường nghề căn cứ theo đó mà thực hiện thì sẽ thuận lợi hơn. Nếu cơ sở nào đáp ứng đủ các điều kiện thì cho dạy các môn văn hóa, ngược lại những cơ sở không đáp ứng đủ điều kiện thì không cho dạy. 

Dưới góc nhìn của nhà quản lý, TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo quốc gia cho rằng, Bộ GD-ĐT nắm quyền quyết định chương trình giáo dục văn hóa phổ thông nhưng chưa thể thiết kế được chương trình dạy văn hóa cho lĩnh vực GDNN. Không thể bắt học sinh trường nghề học theo chương trình văn hóa của học sinh THPT. Thực tế tồn tại vấn đề này là do cái “gốc” đang có vấn đề. Chương trình 9+2, 9+3 cho học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được liên thông lên đại học. Mà muốn lên đại học phải tốt nghiệp THPT. Mục tiêu của Luật Giáo dục quy định là chương trình các môn văn hóa cung cấp cho người học đủ kiến thức phổ thông để tự làm việc kiếm sống và có đủ năng lực để học đại học. Chính vì vậy, việc học trung cấp 2 năm, chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông thì được liên thông lên đại học là “có vấn đề”. Do đó, các bên liên quan cần phải xây dựng và thiết kế lại chương trình cho phù hợp. Khi xây dựng và thiết kế chương trình GDNN cần có sự tham gia của các bên như giáo dục phổ thông, GDNN, giáo dục đại học. 

“Hiện nay, áp các môn văn hóa cho học sinh trường nghề giống các môn văn hóa của học sinh THPT thì rất khó và nặng cho người học. Đơn cử như môn Toán cho các em học ngành Xây dựng không thể giống như các em học ngành Kế toán”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

THANH HÙNG

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/