Doanh nghiệp nhận sinh viên trường nghề thực hành để không phải đào tạo lại

28/04/2022 08:50:48

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận sinh viên trường nghề đến học thực hành; thậm chí là hỗ trợ thiết bị, máy móc hiện đại để trường dạy thực hành sát với thực tế sản xuất.

Doanh nghiệp và trường nghề đang "tìm đến" nhau

Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) để đẩy mạnh đào tạo kỹ năng nghề theo định hướng giảm tải lý thuyết, tăng cường thực hành đang là chủ trương lớn của ngành giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Nhiều người lo ngại chủ trương này khó thực hiện, DN không quan tâm vì tốn kém công sức, tiền bạc mà không thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại TPHCM cho thấy các DN rất hưởng ứng hoạt động này.

Hội thảo "Nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho học sinh qua việc gắn kết giữa nhà trường và DN" do Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12 (TPHCM) vừa tổ chức thu hút đến 31 DN tham gia cho thấy sức hút của chủ trương này là rất lớn.

Phát biểu tại hội thảo, thạc sĩ Trần Nguyên Thục, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12, cho biết: "Với định hướng này, các trường sẽ tập trung đào tạo các học phần, mô đun thực hành cơ bản, còn doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm đào tạo các mô đun kỹ năng nghề. Mô hình này rất phù hợp với công tác đào tạo nghề khi tận dụng được nguồn kiến thức từ lao động tay nghề cao và thiết bị hiện đại của các doanh nghiệp".

Hội thảo "Nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho học sinh qua việc gắn kết giữa nhà trường và DN"

Đại diện phía DN, ông Phan Đạt Huy, Giám đốc kinh doanh công ty CP Truck and bus Trường Chinh, khẳng định công ty của ông sẵn sàng nhận sinh viên trường nghề đến vừa học vừa làm và trả công cho các em đàng hoàng.

Ông nói: "Hiện xưởng cơ khí của chúng tôi rất thiếu người. Các em sinh viên đến đây sẽ được học thực hành trực tiếp trên máy móc của xưởng, thậm chí là những máy test lỗi hiện đại nhất hiện nay".

Ông Bùi Ngọc Quyết, Giám đốc công ty TNHH TMDV điện lạnh Quyết Chiến thì phàn nàn vì kỹ năng làm việc của sinh viên mới ra trường rất tệ. Ông nói: "Các em vào làm rất bỡ ngỡ, ra hiện trường thi công không biết làm gì".

Do đó, ông đánh giá rất cao mô hình học thực hành tại công ty. Vì khi thực hành tại DN, sinh viên được ra hiện trường thi công dự án học thực tế, sẽ biết cách thi công như thế nào, sẽ tiếp cận nhanh công việc khi đi làm, hạn chế sai sót và tai nạn lao động.

Ông Bùi Ngọc Thư, Giám đốc Co.opmart  Nguyễn Ảnh Thư, cho biết rất vui khi được liên kết với trường để đào tạo nhân sự ngành quản lý bán hàng. Bởi trước đây không có chương trình đào tạo nhân viên bán hàng mà siêu thị phải tuyển các em học ngành liên quan rồi đào tạo lại, rất mất thời gian và chi phí. Nay các em học thực hành ngay tại siêu thị, am hiểu quy trình làm việc nên ra trường có thể làm ngay, không phải đào tạo lại.

Thậm chí, nhiều DN còn đề nghị hỗ trợ cho nhà trường máy móc, thiết bị hiện đại để sinh viên thực hành trên máy, làm quen với công việc thực tế mà họ sẽ làm khi ra trường. Có DN còn đề nghị trả phí cho sinh viên khi họ thực hành có hiệu quả, tạo giá trị lao động tại DN.

Tất cả các bên đều có lợi

Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM - đánh giá, việc rất đông doanh nghiệp tham gia hội thảo, có nhiều ý kiến đóng góp cho công tác liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN, ký kết hợp tác với trường ngay tại hội thảo... cho thấy họ rất quan tâm đến công tác dạy nghề, đào tạo nhân lực cho xã hội.

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, mô hình liên kết này đạt được hiệu quả là tất cả các bên đều có lợi.

DN có nguồn nhân sự dự bị và tham gia đào tạo nhân sự theo thực tế sản xuất tại DN, dễ dàng tuyển dụng khi sinh viên ra trường.

Sinh viên thì được học kỹ năng bằng chính vị trí công việc mà họ sẽ làm khi ra trường.

Nhà trường thì được hỗ trợ nguồn nhân lực, thiết bị giảng dạy từ phía DN, chất lượng đầu ra tốt hơn.

Do đó, các trường nghề đều đang cố gắng tìm kiếm DN phù hợp để hợp tác. Đồng thời, nhiều DN cũng chủ động tìm kiếm trường nghề phù hợp với ngành nghề mình kinh doanh để liên kết.

Thạc sĩ Trần Nguyên Thục nhấn mạnh: "Việc liên kết giữa nhà trường và DN mang lại lợi ích cho tất cả các bên, nâng cao hiệu quả đào tạo mà học viên cũng an tâm sẽ có việc làm ngay khi ra trường".

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Chí Thành, Phó trưởng phòng GDNN (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) cho biết, thời gian gần đây, Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH đã có chủ trương và ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này phát triển.

Theo ông, nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên thông qua hoạt động liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN là chủ trương lớn của ngành GDNN nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, Chính phủ còn hỗ trợ DN kết hợp với các trường nghề đào tạo lao động của mình bằng các chính sách như hỗ trợ kinh phí cho DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đào tạo lại nhân lực, hỗ trợ đào tạo người lao động cho DN nhỏ và vừa...

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó trưởng phòng GDNN (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Chí Thành cho biết thêm, trong kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của TPHCM trong thời gian tới có chương trình đào tạo kép, 50% ở nhà trường, 50% ở DN. Cụ thể là sẽ đào tạo lý thuyết và thực hành cơ bản tại nhà trường, đào tạo thực hành chuyên sâu ở DN.

Theo ông Thành, thành phố đang nghiên cứu các nội dung chi tiết về mức hỗ trợ, chính sách ưu đãi... để khuyến khích DN tham gia chương trình này và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới.

TÙNG NGUYÊN

Nguồn: https://dantri.com.vn/