TPHCM đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao

02/05/2023 12:22:43
Trao đổi với Báo SGGP, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh khẳng định, TPHCM đang tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp nguồn nhân lực sau đào tạo có chất lượng cho thành phố và các địa phương trong khu vực Nam bộ.
Nhiều doanh nghiệp chủ động liên kết với các trường để đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường
Nhiều doanh nghiệp chủ động liên kết với các trường để đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường

Phóng viênThưa ông, với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xu hướng chuyển dịch kinh tế hiện nay, TPHCM đặt mục tiêu gì đối với chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo?

Ông LÊ VĂN THINH: Hiện nay, TPHCM đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Việc đào tạo được gắn kết chặt chẽ với đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với các ngành trọng yếu là: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị và mô hình đại học chia sẻ. Đồng thời, tạo sự kết nối giữa đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ đại học và giáo dục nghề nghiệp.

TPHCM lựa chọn, đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo định hướng trường chất lượng cao. Xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp hạng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố làm cơ sở để tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; khuyến khích, ưu đãi trong thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc, và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 89%... Bên cạnh đó, đến năm 2025, thành phố tổ chức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo theo các chuẩn quốc tế và khu vực ASEAN cho ít nhất 10% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, và tỷ lệ này đạt ít nhất 30% vào năm 2030.

Vậy chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TPHCM có đáp ứng được yêu cầu để thực hiện mục tiêu trên?

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 368 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 79 đơn vị công lập và 289 đơn vị tư thục. Các cơ sở đang đào tạo khoảng 300.000 người học các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Chất lượng nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp dần khẳng định vị thế với xã hội; kiến thức chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề của người học sau tốt nghiệp ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Có thể nhìn rõ hơn qua các con số: trên 90% sinh viên khối trường cao đẳng sau khi tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo; trên 84% học sinh khối trung cấp có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo.

TPHCM đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao ảnh 1

Thành phố có giải pháp, kế hoạch như thế nào để nâng cao chất lượng các trường đào tạo nghề, nâng chất nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ kỹ thuật, chuyển đổi số?

Đối với nhiệm vụ này, trong năm 2023, TPHCM thực hiện công tác truyền thông và đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động. Trong đó, tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp định hướng phân luồng học sinh trung học; triển khai đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện được hưởng chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao cho người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đồng thời, thành phố triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; cập nhật chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng tiếp cận với thực tế sản xuất và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; tổ chức khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giáo dục nghề nghiệp, làm cơ sở để tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Thành phố cũng sẽ phát triển số hóa quá trình đào tạo, kết quả học tập, văn bằng chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và kết nối dữ liệu vào cơ sở dữ liệu của TPHCM.

Cùng với đó, Sở LĐTB-XH đã tham mưu UBND TPHCM triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, chúng tôi đã phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM tham mưu UBND TPHCM ban hành đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đối với 8 ngành trọng yếu và đại học. Ngoài ra, định kỳ hàng năm, sở tham mưu UBND TPHCM ban hành kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Chuyển đổi số nâng cao chất lượng GDNN

01/02/2024 09:30:19
Tháng 6-2023 UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là giải pháp để nâng cao chất lượng GDNN, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động.